1. Sự hình thành của Trường
Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên được thành lập ngày 31/05/2011 theo Quyết định số 869/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng đào tạo cán bộ trình độ trung cấp luật, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Ngành Tư pháp theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nghiên cứu khoa học pháp lý phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
Từ năm 2011 đến nay, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy và làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Sau hơn 08 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý, thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức và cơ sở vật chất của Trường đang dần được hoàn thiện và củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho Trường thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm được giao. Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, cùng với sự nỗ lực của tập thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đã góp phần từng bước xây dựng phát triển Trường thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có uy tín. Bộ máy tổ chức dần được kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ công chức, viên chức không ngừng được nâng cao về trình độ và kỹ năng nghiệp vụ. Đào tạo nguồn nhân lực pháp luật không chỉ thông qua hoạt động đào tạo mà còn hướng tới hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch. Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý càng ngày càng thể hiện được uy tín và thương hiệu… Có thể khẳng định, Trường đã phát triển khá toàn diện, vững chắc, xứng đáng một trong những cơ sở đào tạo trình độ trung cấp luật có chất lượng cao trong hệ thống 05 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ.
2. Những bước phát triển của Trường
Bức tranh về quá trình hình thành và phát triển của Trường Cao đẳng Luật miền Bắc được thể hiện rõ nét trong hoạt động đào tạo trung cấp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và năng lực tài chính của Trường. Nếu như đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học được xem như “kiềng ba chân”, là nền tảng cho sự phát triển của Trường thì năng lực tài chính phản ánh những bước đi thăng trầm đầy thử thách, khó khăn và sự vươn lên đầy mạnh mẽ của Trường.
2.1. Hoạt động đào tạo và bồi dưỡng
Từ năm 2011 đến nay, Trường đã và đang tổ chức đào tạo cho 3.370 học sinh trình độ trung cấp ngành pháp luật, trong đó 2.775 học sinh đã tốt nghiệp. Những năm gần đây, Trường chủ động điều chỉnh quy mô tuyển sinh hàng năm ổn định khoảng 300 học sinh, tập trung vào đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ở những vùng biên giới, đặc biệt khó khăn để vừa đào tạo nghề, dạy văn hóa và đặc biệt làm thay đổi lối sống của các em. Với khẩu hiệu, “chỉ một bộ quần áo tới trường – nhà trường sẽ lo phần còn lại”, bước đầu Trường đã tạo dựng được niềm tin cho phụ huynh, gia đình học sinh, lãnh đạo địa phương vào Đảng và Nhà nước, yên tâm làm ăn sinh sống, góp phần giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
2.2. Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật, Trường còn được Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ giao nhiệm vụ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức ngành Tư pháp; UBND tỉnh Thái Nguyên và các địa bàn lân cận giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân; cán bộ tiếp dân trong các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, Trường còn được giao tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Những năm gần đây, với kinh nghiệm bồi dưỡng được trau dồi qua các năm, Trường đã trở thành đơn vị bồi dưỡng có uy tín và là đối tác tin cậy của các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Cao Bằng… Vì vậy, số lượng học viên được Trường bồi dưỡng có xu hướng tăng dần theo các năm, đặc biệt tăng từ năm 2017 và đỉnh cao là năm 2019 với 1.289 học viên/năm. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình COVID-19, Trường vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn đặt hàng bồi dưỡng và đang nghiên cứu các giải pháp trực tuyến để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người học.
2.3. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Song song với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng diễn ra sôi động. Đến nay, Trường đã thực hiện 02 đề tài cấp bộ; 22 đề tài cấp Trường; chủ trì biên soạn 14 giáo trình trung cấp, cao đẳng; 05 bộ tài liệu bồi dưỡng và bồi dưỡng chuyên sâu cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; 01 Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
Đặc biệt, trong năm 2020, Trường đang đăng ký thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống tư pháp dành riêng cho người chưa thành niên ở Việt Nam. Đây là đề tài do Trường đề xuất, đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, dự kiến được triển khai trong năm 2021 và 2022.
2.4. Năng lực tài chính và khả năng cân đối tài chính của Trường
Trong những năm gần đây, nguồn thu tài chính của Trường duy trì trong khoảng từ 8 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp (không tính nguồn đầu tư xây dựng cơ bản).
Năm 2015 là năm đánh dấu sự đi xuống về nguồn thu sự nghiệp do hầu hết cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã đã được chuẩn hóa về trình độ, Trường chuyển từ giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến quy mô tuyển sinh giảm mạnh. Những năm tiếp theo, nguồn thu sự nghiệp đã dần tăng trở lại do Trường áp dụng hàng loạt các biện pháp đổi mới trong công tác tuyển sinh và mở rộng hợp tác trong bồi dưỡng, tập huấn cán bộ pháp luật tại cơ sở.
3. Triết lý và định hướng hoạt động của Trường sau khi nâng cấp thành Trường Cao đẳng Luật miền Bắc
Mục đích cuối cùng mà Trường hướng tới là trở thành một cơ sở đào tạo nghề pháp luật có thương hiệu, uy tín hàng đầu tại Việt Nam và từng bước mở rộng quan hệ, hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo nghề trong khu vực.
Trong công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, sự thành công của cơ sở đào tạo chính là sự thành công của người học trong sự nghiệp của họ sau này. Trường cam kết cung cấp một hành trình giáo dục trải nghiệm, hướng tới những giá trị cốt lõi trong nghề pháp luật cũng như trong cuộc sống, từ đó người học có nền tảng cơ bản để tạo dựng một sự nghiệp thành công, qua đó đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Sự thành công này thể hiện ở cả hai khía cạnh:
- Về khía cạnh cá nhân, họ sẽ trở thành công dân có trách nhiệm;
- Về khía cạnh nghề nghiệp, họ sẽ trở nên chuyên nghiệp và liêm chính, tạo dựng cho mình một sự nghiệp thành công.
Sự thành công của người học được đánh giá bởi các chỉ số:
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm trong 5 năm đầu tiên;
- Mức độ hài lòng của người sử dụng lao động đối với sản phẩm đào tạo của Trường;
- Mức độ hài lòng của cộng đồng về tư cách công dân của cựu học sinh;
- Đánh giá của cựu học sinh về giá trị đào tạo của Trường trong cuộc đời và sự nghiệp của họ.
Với một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo danh tiếng trong và ngoài nước, có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nghề; Với triết lý, mục đích và định hướng rõ ràng; Với cơ chế quản trị và cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, tập thể sư phạm nhà trường tin tưởng về tương lai phát triển bền vững của Trường, minh chứng cho xã hội, cho nhà tuyển dụng thấy rằng, đào tạo nghề nói chung, trong đó có nghề luật là hướng đi đúng đắn và có hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dân dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.